Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

VÌ SAO LẠI THẾ?

VÌ SAO LẠI THẾ?

Chế ra một dược phẩm mới là một quá trình lâu dài và rất tốn kém với tỳ lệ thành công khiêm tốn (theo số liệu của Boston Consulting Group, khoảng 90% số tiền đầu tư đổ xuống sông xuống bể, 10% còn lại nếu qua được kiểm duyệt chưa chắc đã thành công về thương mại) dù rằng có sự hỗ trợ rất lớn của các tiến bộ khoa học và trang thiết bị hiện đại. Người ta tính rằng trung bình phải mất khoảng từ 800 triệu đến 1 tỉ US đô la và 12 năm từ lúc bắt đầu công cuộc nghiên cứu cho đến khi tân dược được đưa ra sử dụng trên cơ thể bệnh nhân (trải qua 4 bước- phát hiện hoạt chất, tiền thử nghiệm lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng và đăng ký/thẩm định/cấp phép). Tới đây, quá trình phát triển thuốc sẽ được rút ngắn lại nhờ kết quả của dự án bản đồ gen người theo logic khi đã xác định được gen lỗi được cho là gây ra bệnh thì việc thử nghiệm lâm sàng sẽ trở nên nhanh chóng và ít tốn kém hơn.

Danh y Tuệ tĩnh, người nổi tiếng với câu nói "Nam dược trị Nam nhân", sinh năm 1330, mất năm nào không rõ vì khi 55 tuổi do quá giỏi, ông bị cống sang Trung quốc nên không có thông tin. Năm 22 tuổi ông mới bắt đầu nghiên cứu về thuốc và chữa bệnh. Như vậy ta có thể thấy, chỉ trong vòng chừng 30 năm ông đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ như thế nào về việc phân tích/phân loại dược liệu và tổng hợp/sáng chế ra các bài thuốc. Trước tác để lại cho thấy ông đề cập đến 650 vị thuốc Nam, y án 182 chứng bệnh được chữa bằng 3.873 phương thuốc! Chúng ta hiểu rằng là thầy thuốc cho nên những gì ông đã viết ra thành sách để chữa bệnh phải là những gì ông đã nghiên cứu, khảo nghiệm cẩn thận, kỹ càng.

Theo lề lối chế tác tân dược như đã nói ở trên, một công ty dược phẩm thuộc dạng lớn nhất thế giới như Pfizer (doanh số năm 2012 gần 60 tỷ, lợi nhuận gần 15 tỉ đô la, có trên 90 ngàn nhân viên toàn cầu) cũng không chắc đã có đủ nguồn lực để có thể hoàn tất được một khối lượng công việc tương đương với danh y Tuệ Tĩnh trong cùng khoảng thời gian!

Về mặt phương pháp luận nghiên cứu, các thày lang thời xưa chắc cũng không có gì nhiều hơn ngoài nền tảng triết lý về âm dương, ngũ hành, thiên địa nhân hợp nhất…ít nhiều trìu tượng và mang tính khái quát cao. Câu hỏi đặt ra là vì sao một người như Tuệ Tĩnh (hay xa xôi hơn nữa ở Trung quốc như Hoa Đà, Biển Thước), ở vào thời đại cách đây hàng ngàn năm, không được đào tạo chuyên nghành, cũng không có bất kỳ một phương tiện hiện đại nào khác ngoài ngửi và nếm lại có thể hoàn thành được khối lượng công việc khổng lồ đến như vậy? Họ có thể dựa vào cái gì khác hơn là năng lực của chính bản thân họ? Sự hòa hợp như một với thế giới tự nhiên, năng lực của các giác quan tinh tế và trực giác nhạy bén có lẽ chính là câu trả lời.

Có phải chăng là, con người hiện đại, trải qua một thời gian dài do lối sống và hoàn cảnh sống thay đổi, đã trở nên suy thoái và dần mất đi năng lực tri giác tuyệt vời đó?

Và lại nhớ đến lý thuyết về trí tuệ thấm hút của bà Maria Montessori. Ở thời hiện đại, giờ đây năng lực học tập và khám phá thế giới xung quanh một cách tinh tế bằng các giác quan nhạy bén chỉ còn tồn tại ở trẻ dưới 6 tuổi. Chỉ trong giai đoạn ngắn ngủi này, trẻ thu được một lượng tri thức khổng lồ một cách hết sức tự nhiên mà hầu như không phải nỗ lực gì cả. Biết đâu rằng, theo đà suy thoái, chỉ qua vài hay vài chục thế hệ tới nữa thôi, khả năng này chỉ còn tồn tại ở trẻ dưới 3 tuổi hay thậm chí nhỏ hơn nữa?

Nói theo học thuyết của nhà Phật, không có cái gì mất đi cả. Có chăng là do những điều kiện môi trường, năng lực ấy đang bị đè nén, kìm hãm, che khuất đi ở đâu đó mà thôi. Muốn được…như xưa, phải tìm cách khôi phục lại.

Vì sao lại thế và làm thế nào là câu hỏi lớn xin dành cho các nhà nghiên cứu.

Còn ta, muốn vớt vát lại chút đỉnh năng lực thấm hút cho chính mình thì sao không thử ngồi Thiền đi?


3/2014

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

ĐƯỜNG ĐẾN TRÁI TIM

ĐƯỜNG ĐẾN TRÁI TIM

Từ hàng ngàn năm trước, các nền văn minh cổ đại phương Đông hay Ai cập đã coi "bụng dạ" là nơi diễn ra các hoạt động của cảm xúc và phản ánh trạng thái của tinh thần. Có thể tìm thấy rất nhiều bằng chứng cho luận điểm này trong ngôn ngữ và văn hóa Việt, chẳng hạn như:

Trong từ vựng, thành ngữ:
  • lòng dạ độc ác, lòng lang dạ sói, lòng tham, ăn ở hai lòng
  • không còn lòng (bụng) dạ nào mà nghĩ đến chuyện đó, bận lòng
  • lòng tốt, bụng dạ tử tế, tốt bụng
  • chung lòng, đồng lòng, một lòng, phải lòng
  • sáng dạ, ghi lòng tạc dạ, nghĩ bụng
  • hả dạ, mát ruột
  • đau lòng, ruột đau như cắt

Hay trong ca dao, tục ngữ:
  • “Suy bụng ta ra bụng người”
  • “Đi guốc trong bụng”
  • “Sống để bụng chết mang đi”
  • "Thuyền ơi, có nhớ bến chăng, Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”.

Khi diễn đạt mức độ sâu sắc, đậm đà của tình cảm, người phương Đông thường nói “tận đáy lòng” chứ không phải là từ đáy tim “bottom of one’s heart” như cách của người phương Tây. Hệ thống “bụng dạ” này bao gồm các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa từ thực quản xuống đến cuối ruột già (chỗ này có lẽ là đáy đây). Nên ta có thể hiểu, càng lên cao, mức độ đậm đặc của tình cảm càng giảm đi, những gì chỉ phát ra từ cổ họng thôi thì thường rất hời hợt!

Trước đây người phương Tây có thể cảm thấy hơi buồn cười khi nghe câu nói “tận đáy lòng”. Nhưng giờ thì họ đã phải nghĩ lại. Từ hơn một chục năm nay, những thành tựu của y học hiện đại đã chứng minh sự tồn tại của một hệ thống thần kinh của hệ tiêu hóa gồm trên 100 triệu nơron (trong đó có 20 loại giống như ở não người) mà họ đặt tên là “bộ não thứ 2”- “Second Brain”. Bộ não này của hệ tiêu hoá chịu trách nhiệm về các trạng thái tinh thần, tình cảm chẳng hạn như giận dữ, sung sướng, phấn khởi, buồn rầu. Mặc dù không phải là nơi sản sinh ra những thứ kiểu như tôn giáo, triết học hay thi ca, nơi diễn ra các hoạt động suy nghĩ có ý thức hoặc ra quyết định nhưng nó đóng vai trò rất quan trọng. Phát kiến này làm người ta phải thay đổi quan điểm về cách điều trị một số bệnh tật. Chẳng hạn các chứng co thắt ruột hay viêm loét dạ dày sẽ phải được xem như là những rối loạn thần kinh hay là một thứ bệnh “tâm thần đường ruột”!

Bộ não thứ 2 có sự liên hệ, tương tác với bộ não thứ 1 ở trên đầu nhưng có sự độc lập nhất định, có thể hình dung nó cũng khá giống như mối quan hệ giữa một khu tự trị với quốc gia hay là bang với liên bang vậy. Người ta thấy rằng đường ruột tiếp tục làm việc ngay cả khi không liên hệ được với não bộ và tủy sống, nghĩa là Bộ não thứ 2 có đủ khả năng xử lý mọi vấn đề liên quan tới hệ tiêu hóa.

Serotonin là chất nội sinh mà người ta hay gọi (một cách không thật chính xác) là “hócmôn hạnh phúc” nhờ tác dụng trấn an thần kinh, tạo cảm giác hài lòng…thì 95% nằm ở hệ thống đường ruột! Điều này cho thấy hạnh phúc tùy thuộc đến mức độ nào vào cơ quan tiêu hóa!

Bs Lương lễ Hoàng cho biết, theo kết quả thống kê của các hãng bảo hiểm y tế ở CHLB Đức, 1/5 cư dân bên đó là nạn nhân thường trực của chứng nhức đầu, trong số đó 2/3 là phụ nữ mà nguyên nhân quan trọng là do thiếu Serotonin. Cơ thể tự tổng hợp Serotonin từ một chất đạm có tên là tryptophan, do vậy để trị nhức đầu cần thường xuyên tiếp tế thức ăn có tryptophan. Tiến trình tác động của tryptophan diễn ra nhanh hơn trong điều kiện đầy đủ ánh sáng và có sự hiện diện của khoáng tố kalium (như mật ong, chuối già…). Do vậy lời khuyên của BS là ăn tối trong khung cảnh mờ mờ tuy lãng mạn nhưng dễ đau đầu, chị em nên nhớ điều này. Những kiến giải nói trên của BS Hoàng còn cho ta thấy rõ thêm lý do tại sao phụ nữ thường hay ăn vặt! Đơn giản đó chỉ là cách họ "uống thuốc" để giải sầu và trị đau đầu mà thôi.

Câu cẩm nang mẹ dặn con gái “Đường đến trái tim người đàn ông đi qua dạ dày” giờ đây đã được soi sáng bằng cơ sở khoa học! Có người đàn ông nào mà lại không cảm thấy dễ chịu, “hài lòng” hay thậm chí “xiêu lòng” bởi những bữa ăn ngon lành?


____________

Có rất nhiều thông tin tham khảo trên internet, sau đây là vài ví dụ:
http://nld.com.vn/suc-khoe/dau-dau-vi-thieu-serotonin-2013112006322987.htm

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

TRÍ TUỆ THẤM HÚT

TRÍ TUỆ THẤM HÚT

   (Nguồn ảnh: Internet)

Nhà giáo dục Ý Maria Montessori (1870–1952) phân chia sự phát triển con người thời trẻ từ 0~24 tuổi thành 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên là từ sau sinh đến khi trẻ được khoảng 6 tuổi. Theo sự quan sát của Montessori, trong suốt giai đoạn này trẻ trải qua quá trình phát triển tâm sinh lý không ngừng và nổi bật nhất. Trẻ là những cá nhân học tập và khám phá thế giới xung quanh rất tinh tế bằng các giác quan nhạy bén của mình.

Montessori đã nêu ra một số khái niệm để giải thích quá trình này, bao gồm thuật ngữ “Trí tuệ thấm hút”. Đại thể giai đoạn phát triển quan trọng nhất của trẻ nằm ở sáu năm đầu đời. Trẻ nỗ lực không ngừng nghỉ học hỏi, tiếp thu thế giới xung quanh giống như miếng bọt biển thấm hút nước vậy. Do đó, mục tiêu giáo dục trong thời kỳ này là trau dồi, tu dưỡng khát khao học hỏi và tiếp thu một cách tự nhiên của trẻ. Bà cũng cho rằng đây là khả năng duy nhất, đặc biệt trong giai đoạn đầu đời của trẻ và nó phai nhạt dần sau khi trẻ được 6 tuổi.

Trọng tâm của bà là giáo dục trẻ nhỏ nên không thấy bà đề cập gì đến trí tuệ tuổi già. Có lẽ là, 60 năm sau, con người sẽ tiến đến giai đoạn Trí tuệ Trơ lì hay Trí tuệ Teo tóp…gì đó, nghĩa là cái gì mới mẻ thì không thêm được vào đầu, thậm chí cái đang có còn rơi rụng bớt đi ;)

Mọi sự bắt đầu từ đây. Sau giai đoạn trí tuệ thấm hút, trẻ đi học và tiếp xúc rộng rãi với xã hội. Từ đây chúng được giáo dục, dạy dỗ đủ loại kiến thức và quan niệm. Tự bản thân chúng, trong quá trình tương tác với tự nhiên và xã hội, cũng thu nhận được vô số những kiến thức và kinh nghiệm khác nhau. Quá trình này không còn theo phương cách thấm hút hoàn toàn tự nhiên nữa mà theo một cách có chủ ý và có chọn lọc. Một phần là do bị “áp đặt”, “nhồi nhét” từ nhà trường, từ người lớn còn một phần là do tự thân chúng chọn lựa. Dần dần trẻ hình thành nên một hệ thống lăng kính “lọc” tri thức được xây dựng nên từ các quan điểm, quan niệm của riêng mình và sau đó tiếp tục tiếp thu các kiến thức và kinh nghiệm khác trong quá trình lớn lên thông qua hệ thống lăng kính này. Tri thức mới, giống như tia sáng tới, khi gặp lăng kính sẽ bị phản xạ, khúc xạ, tán xạ và biến dạng đi hoặc thậm chí là không còn tới được nữa. Càng ngày, con người càng mất dần khả năng nhận thức và hiểu biết một cách trực diện, chân thực, sáng suốt mọi sự vật, hiện tượng như nó vốn có. Họ sống trong thế giới của các ảo tưởng, định kiến, trong ngục tù của trí tuệ do chính tay mình xây dựng nên mà không biết. Đây là vấn nạn khổ đau lớn nhất của con người.

Khốn thay, thường thì ta không nhận biết được điều này khi còn quá trẻ. Chỉ khi có một biến cố cực lớn trên đường đời hoặc khi đã đủ già để có đủ sự khôn ngoan, sáng suốt và từng trải thì may ra ta mới nhận thấy được sự lầm lạc đó.

Thiền là một trong các con đường để giải thoát. Nó giúp người ta đập vỡ đi cái lăng kính méo mó để lại nhìn thấy được mọi sự vật, hiện tượng như nó là, như nó vốn có bằng cái đầu trong trẻo vô tư của trẻ nhỏ. Nói theo ngôn ngữ của bà Maria Montessori, là nó khôi phục lại năng lực THẤM HÚT của TRÍ TUỆ cho người trưởng thành.

3/2014