Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

TRÍ TUỆ THẤM HÚT

TRÍ TUỆ THẤM HÚT

   (Nguồn ảnh: Internet)

Nhà giáo dục Ý Maria Montessori (1870–1952) phân chia sự phát triển con người thời trẻ từ 0~24 tuổi thành 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên là từ sau sinh đến khi trẻ được khoảng 6 tuổi. Theo sự quan sát của Montessori, trong suốt giai đoạn này trẻ trải qua quá trình phát triển tâm sinh lý không ngừng và nổi bật nhất. Trẻ là những cá nhân học tập và khám phá thế giới xung quanh rất tinh tế bằng các giác quan nhạy bén của mình.

Montessori đã nêu ra một số khái niệm để giải thích quá trình này, bao gồm thuật ngữ “Trí tuệ thấm hút”. Đại thể giai đoạn phát triển quan trọng nhất của trẻ nằm ở sáu năm đầu đời. Trẻ nỗ lực không ngừng nghỉ học hỏi, tiếp thu thế giới xung quanh giống như miếng bọt biển thấm hút nước vậy. Do đó, mục tiêu giáo dục trong thời kỳ này là trau dồi, tu dưỡng khát khao học hỏi và tiếp thu một cách tự nhiên của trẻ. Bà cũng cho rằng đây là khả năng duy nhất, đặc biệt trong giai đoạn đầu đời của trẻ và nó phai nhạt dần sau khi trẻ được 6 tuổi.

Trọng tâm của bà là giáo dục trẻ nhỏ nên không thấy bà đề cập gì đến trí tuệ tuổi già. Có lẽ là, 60 năm sau, con người sẽ tiến đến giai đoạn Trí tuệ Trơ lì hay Trí tuệ Teo tóp…gì đó, nghĩa là cái gì mới mẻ thì không thêm được vào đầu, thậm chí cái đang có còn rơi rụng bớt đi ;)

Mọi sự bắt đầu từ đây. Sau giai đoạn trí tuệ thấm hút, trẻ đi học và tiếp xúc rộng rãi với xã hội. Từ đây chúng được giáo dục, dạy dỗ đủ loại kiến thức và quan niệm. Tự bản thân chúng, trong quá trình tương tác với tự nhiên và xã hội, cũng thu nhận được vô số những kiến thức và kinh nghiệm khác nhau. Quá trình này không còn theo phương cách thấm hút hoàn toàn tự nhiên nữa mà theo một cách có chủ ý và có chọn lọc. Một phần là do bị “áp đặt”, “nhồi nhét” từ nhà trường, từ người lớn còn một phần là do tự thân chúng chọn lựa. Dần dần trẻ hình thành nên một hệ thống lăng kính “lọc” tri thức được xây dựng nên từ các quan điểm, quan niệm của riêng mình và sau đó tiếp tục tiếp thu các kiến thức và kinh nghiệm khác trong quá trình lớn lên thông qua hệ thống lăng kính này. Tri thức mới, giống như tia sáng tới, khi gặp lăng kính sẽ bị phản xạ, khúc xạ, tán xạ và biến dạng đi hoặc thậm chí là không còn tới được nữa. Càng ngày, con người càng mất dần khả năng nhận thức và hiểu biết một cách trực diện, chân thực, sáng suốt mọi sự vật, hiện tượng như nó vốn có. Họ sống trong thế giới của các ảo tưởng, định kiến, trong ngục tù của trí tuệ do chính tay mình xây dựng nên mà không biết. Đây là vấn nạn khổ đau lớn nhất của con người.

Khốn thay, thường thì ta không nhận biết được điều này khi còn quá trẻ. Chỉ khi có một biến cố cực lớn trên đường đời hoặc khi đã đủ già để có đủ sự khôn ngoan, sáng suốt và từng trải thì may ra ta mới nhận thấy được sự lầm lạc đó.

Thiền là một trong các con đường để giải thoát. Nó giúp người ta đập vỡ đi cái lăng kính méo mó để lại nhìn thấy được mọi sự vật, hiện tượng như nó là, như nó vốn có bằng cái đầu trong trẻo vô tư của trẻ nhỏ. Nói theo ngôn ngữ của bà Maria Montessori, là nó khôi phục lại năng lực THẤM HÚT của TRÍ TUỆ cho người trưởng thành.

3/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét