ĐƯỜNG ĐẾN TRÁI TIM
Từ hàng ngàn năm trước, các nền văn minh cổ đại phương
Đông hay Ai cập đã coi "bụng dạ" là nơi diễn ra các hoạt động của cảm xúc và phản ánh trạng
thái của tinh thần. Có thể tìm thấy rất nhiều bằng chứng cho luận điểm này
trong ngôn ngữ và văn hóa Việt, chẳng hạn như:
Trong từ vựng, thành ngữ:
- lòng dạ độc ác, lòng lang dạ sói, lòng tham, ăn ở hai lòng
- không còn lòng (bụng) dạ nào mà nghĩ đến chuyện đó, bận lòng
- lòng tốt, bụng dạ tử tế, tốt bụng
- chung lòng, đồng lòng, một lòng, phải lòng
- sáng dạ, ghi lòng tạc dạ, nghĩ bụng
- hả dạ, mát ruột
- đau lòng, ruột đau như cắt
Hay trong ca dao, tục ngữ:
- “Suy bụng ta ra bụng người”
- “Đi guốc trong bụng”
- “Sống để bụng chết mang đi”
- "Thuyền ơi, có nhớ bến chăng, Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”.
Khi diễn đạt mức độ sâu sắc, đậm đà của tình cảm,
người phương Đông thường nói “tận đáy lòng” chứ không phải là từ đáy tim “bottom of
one’s heart” như cách của người phương Tây. Hệ thống “bụng dạ” này bao gồm các cơ quan
thuộc hệ tiêu hóa từ thực quản xuống đến cuối ruột già (chỗ này có lẽ là đáy đây). Nên
ta có thể hiểu, càng lên cao, mức độ đậm đặc của tình cảm càng giảm đi, những
gì chỉ phát ra từ cổ họng thôi thì thường rất hời hợt!
Trước đây người phương Tây có thể cảm thấy hơi
buồn cười khi nghe câu nói “tận đáy lòng”. Nhưng giờ thì họ đã phải nghĩ lại. Từ
hơn một chục năm nay, những thành tựu của y học hiện đại đã chứng minh sự tồn tại
của một hệ thống thần kinh của hệ tiêu hóa gồm trên 100 triệu nơron (trong đó
có 20 loại giống như ở não người) mà họ đặt tên là “bộ não thứ 2”- “Second Brain”.
Bộ não này của hệ tiêu hoá chịu trách nhiệm về các trạng thái tinh thần, tình cảm
chẳng hạn như giận dữ, sung sướng, phấn khởi, buồn rầu. Mặc dù không phải là
nơi sản sinh ra những thứ kiểu như tôn giáo, triết học hay thi ca, nơi diễn ra
các hoạt động suy nghĩ có ý thức hoặc ra quyết định nhưng nó đóng vai trò rất
quan trọng. Phát kiến này làm người ta phải thay đổi quan điểm về cách điều trị
một số bệnh tật. Chẳng hạn các chứng co thắt ruột hay viêm loét dạ dày sẽ phải được
xem như là những rối loạn thần kinh hay là một thứ bệnh “tâm thần đường ruột”!
Bộ não thứ 2 có sự liên hệ, tương tác với bộ
não thứ 1 ở trên đầu nhưng có sự độc lập nhất định, có thể hình dung nó cũng
khá giống như mối quan hệ giữa một khu tự trị với quốc gia hay là bang với liên bang vậy. Người
ta thấy rằng đường ruột tiếp tục làm việc ngay cả khi không liên hệ được với
não bộ và tủy sống, nghĩa là Bộ não thứ 2 có đủ khả năng xử lý mọi vấn đề
liên quan tới hệ tiêu hóa.
Serotonin là chất nội sinh mà người ta hay gọi (một
cách không thật chính xác) là “hócmôn hạnh phúc” nhờ tác dụng trấn an thần
kinh, tạo cảm giác hài lòng…thì 95% nằm ở hệ thống đường ruột! Điều này cho thấy hạnh phúc tùy thuộc đến mức độ nào vào cơ quan tiêu hóa!
Bs Lương lễ Hoàng cho biết, theo kết quả thống
kê của các hãng bảo hiểm y tế ở CHLB Đức, 1/5 cư dân bên đó là nạn nhân thường
trực của chứng nhức đầu, trong số đó 2/3 là phụ nữ mà nguyên nhân quan trọng là
do thiếu Serotonin. Cơ thể tự tổng hợp Serotonin từ một chất đạm có tên là
tryptophan, do vậy để trị nhức đầu cần thường xuyên tiếp tế thức ăn có tryptophan.
Tiến trình tác động của tryptophan diễn ra nhanh hơn trong điều kiện đầy đủ ánh
sáng và có sự hiện diện của khoáng tố kalium (như mật ong, chuối già…). Do vậy lời
khuyên của BS là ăn tối trong khung cảnh mờ mờ tuy lãng mạn nhưng dễ đau đầu,
chị em nên nhớ điều này. Những kiến giải nói trên của BS Hoàng còn cho ta thấy rõ
thêm lý do tại sao phụ nữ thường hay ăn vặt! Đơn giản đó chỉ là cách họ "uống
thuốc" để giải sầu và trị đau đầu mà thôi.
Câu cẩm nang mẹ dặn con gái “Đường đến
trái tim người đàn ông đi qua dạ dày” giờ đây đã được soi sáng bằng
cơ sở khoa học! Có người
đàn ông nào mà lại không cảm
thấy dễ chịu, “hài lòng” hay thậm chí “xiêu lòng” bởi những bữa ăn ngon lành?
____________
Có rất nhiều thông tin tham khảo trên internet,
sau đây là vài ví dụ:
http://nld.com.vn/suc-khoe/dau-dau-vi-thieu-serotonin-2013112006322987.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét