Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

BÀI #1- SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG NGHỆ IN ẤN

BÀI #1.   SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG NGHỆ IN ẤN

Lịch sử hình thành và phát triển văn hóa đọc ở các châu lục và quốc gia chịu tác động ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó không thể không nói đến sự phát triển của công nghệ in ấn.
Chắc chắn là, chỉ khi có công nghệ in ấn hàng loạt ra đời thì giá cả sách báo mới trở nên hợp lý, dễ dàng tiếp cận với đại chúng và do đó việc đọc mới trở nên phổ cập và từ đó hình thành nên thói quen và văn hóa đọc.
Và ở chiều ngược lại, sự phát triển của công nghệ in ấn có tác động tích cực đến sự phát triển của các hoạt động sáng tác và sản xuất nội dung, của việc xuất bản và phát hành, tạo điều kiện thúc đẩy sự hình thành và phát triển của văn hóa đọc.
Chúng ta sẽ còn trở lại vấn đề này trong các bài viết khác nhưng cần nhấn mạnh một số sự kiện nổi bật sau đây trong lịch sử ngành in thế giới và Việt nam:
  • Công nghệ sản xuất giấy in: Người Trung Quốc phát minh ra giấy vào khoảng năm 105, tới khoảng năm 600 kỹ thuật múc giấy cải tiến dùng loại rây múc lan truyền đến Triều Tiên và sau đó đến Nhật bản. Thế giới Ả Rập biết đến sản xuất giấy vào khoảng năm 750 và giấy được mang đến châu Âu từ thế kỷ thứ 12. Từ giữa thế kỷ thứ 14 giấy bắt đầu cuộc tranh đua với giấy da (parchment). Kỹ thuật in sách từ giấy ra đời từ giữa thế kỷ thứ 15 và đến thế kỷ thứ 17 giấy đã chiếm vị trí là vật liệu để viết, in ấn chủ đạo.

  • Công  nghệ in khắc gỗ: Trung Quốc là nợi ra đời bản in khắc gỗ từ thế kỷ thứ VII trước công nguyên và in khắc gỗ được áp dụng rộng rãi vào thế kỷ thứ IX.

Chính những người theo đạo Phật là người tạo nên một bước đột phá trong công nghệ in khuôn: những tài liệu, hình ảnh được khắc nổi trên một tấm ván gỗ, sau đó bôi mực lên trên, cuối cùng được dập vào giấy, quần áo... Công nghệ này sau đó trở nên cực kỳ phổ biến ở các nước Đông Á.
Ở Hàn Quốc, người ta đã tìm thấy những bản in của những trang Kinh Phật, với niên đại vào khoảng những năm 700-750 sau công nguyên. Ở Nhật Bản, công nghệ in thậm chí còn phát triển đến trình độ sản xuất hàng loạt. Năm 768 sau công nguyên, để tôn vinh phật tử Narra, triều đình đã đốc thúc việc in hàng loạt những loại bùa may mắn và những trang sách cầu nguyện. Có những tài liệu cho rằng dự án này đã kéo dài tới tận sáu năm, và số lượng những bản in được tạo ra lên đến hàng triệu bản. Nhiều bản vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
  • Công nghệ tạo chữ in rời: Chữ in rời ra đời năm 1314 bởi Vương Trình người Trung Quốc. Nghề in được lan truyền sang Triều Tiên và có những cải tiến quan trọng. Triều Tiên đã tạo ra đồng mô để đúc chữ thay thế cho khắc và đến năm 1436 bắt đầu đúc chữ bằng hợp kim chì.
  • Máy in công  nghiệp đầu tiên: Ngày 21-6-1440 Gutenberg khởi công in sách. Ông được coi là ông tổ của ngành in ở Châu Âu vì đã phát minh ra quá trình in hoàn thiện nhất gồm: thay đổi thành phần hợp kim chì, bỏ đồng (Cu) và thay bằng Angtimoan (Sb) làm cho con chữ bền và sắc nét; chế tạo đồng mô (matrix), lập xưởng đúc chữ chì, sắp chữ chì và in trên bàn ép bằng gỗ. Ngoài ra ông còn chế ra mực in hiện đại bằng muội gỗ thông và dầu gai.

  • Vào thế kỷ 19 thì quá trình in đã được cơ giới hóa mạnh mẽ. Năm 1811 F.Koenig người Đức đã được cấp bằng sáng chế máy in có ống ép thay cho bàn ép, đưa công suất lên 800 tờ/giờ, khổ in lớn hơn loại máy trước. Năm 1831 xuất hiện máy in hai ống (in cuộn) do Alexanđrop chế tạo.
  • Tại Việt nam, nghề in bản gỗ khắc ra đời ở kinh thành Thăng Long từ thời nhà Lý cách nay hơn 800 năm. Nghề in chữ đúc (typô) ở Việt Nam, đánh dấu mốc đầu tiên khi năm 1862, Đô đốc Bonard đưa 4 công nhân người Pháp, chở máy in, chữ in, mực giấy từ Pháp sang và lập nhà in mang tên Imperialđể in báo phục vụ cho công cuộc xâm lăng của Pháp. Theo tư liệu lưu trữ, đầu năm 1937, toàn Đông Dương có 88 nhà in đang hoạt động in được sách báo. Trong giai đoạn 1930 – 1945 ngành in Việt Nam có những bước phát triển nhất định và đặt nền móng cho ngành in phát triển mạnh mẽ sau Cách mạng tháng tám. 

  1. Sự ra đời của chữ viết, mực và giấy in:

  • Chữ viết: Người Sumer, có nền văn hóa cao lâu đời nhất được biết đến, viết trên những tấm bia bằng đất sét (văn tự hình nêm, bắt đầu từ khoảng 3300 năm trước Công nguyên)

  • Giấy viết sơ khai: Da, giấy da (parchment), gỗ, vỏ cây, giấy cói (giấy chỉ thảo) - có ở Ai Cập khoảng 3000 năm trước Công nguyên. Giấy cói (giấy chỉ thảo) làm bằng một loại lau sậy (cây cói giấy hay cây chỉ thảo – cyperus papyrus, họ Cói) được buộc vào với nhau và đặt chéo lên nhau trước khi được ép lại.

  • Mực viết: Người ta viết trên giấy chi thảo bằng mực đỏ hay đen. Mực đen bao gồm bồ hóng và một dung dịch từ nhựa của cây keo (gummi arabicum). Mực đỏ được làm từ hoàng thổ. Người ta dùng một cây cọ làm từ cây sậy (cây lau) để viết.

  • Giấy in hoàn thiện: Người Trung Quốc phát minh ra giấy vào khoảng năm 105, chủ yếu làm từ sợi bên trong của vỏ cây dâu (dâu tằm). Các khám phá về khảo cổ ở Trung Hoa cộng với phép tính tuổi bằng carbon phóng xạ chứng minh rằng giấy đã hiện diện từ hai thế kỷ trước Thái Luân, nhưng người ta vẫn cho Thái Luân là người phát minh ra giấy thực thụ như ngày nay.

Nguyên liệu làm giấy được cắt vụn ra và giã nhỏ trong nước thành bột lỏng. Các sợi được phân tán mỏng trong nước. Đầu tiên giấy được múc ra bằng một cái rây nổi trên mặt nước. Lưới ở dưới đáy rây được gắn chặt vào khung. Mỗi tờ giấy được múc ra phải được làm khô trong rây và chỉ được đem ra sau khi khô. Vì thế mà cần đến rất nhiều rây.
Kỹ thuật này lan truyền đến người Thái vào khoảng năm 300. Vào khoảng năm 600 kỹ thuật múc giấy cải tiến dùng loại rây múc lan truyền đến Triều Tiên và sau đó đến Nhật. Ở loại rây múc này khung rây có thể gỡ ra khỏi rây. Tờ giấy vừa được múc có thể được lấy ra khi còn ẩm và đem đi phơi khô. Kỹ thuật này còn được sử dụng cho đến ngày nay ở các loại giấy múc bằng tay và nói chung nguyên tắc sản xuất giấy (cắt vụn, giã nhỏ trong nước, múc và hong khô) vẫn không thay đổi cho đến ngày nay.

  • Giấy trong thế giới Ả Rập

Vào năm 750 hay 751, kỹ thuật sản xuất giấy lan truyền đến Samarkand, có lẽ qua các tù binh người Trung Quốc trong một cuộc tranh chấp biên giới, và từ đấy kỹ thuật này lan rộng khắp thế giới Ả Rập. Nhờ vào các khám phá mới, người ta cho rằng ở Samarkand giấy đã được biết đến và sản xuất trước đó 100 năm. Câylanh (Linum usitatissinum) và cây gai dầu (Cannabis L.) cũng như nước đều có đầy đủ, chẳng bao lâu người Ả Rập đã xây dựng lên một công nghiệp giấy phát đạt. Giấy lan truyền nhanh chóng đến Maroc. Một cối xay giấy đã được xây ở Bagdad vào năm 795, năm 870 quyển sách làm bằng giấy đầu tiên được phát hành ở đây. Trong văn phòng của hoàng đế Harun al-Rashid người ta đã dùng giấy để viết. Sau đó là các xưởng sản xuất ở Damascus, Cairo, ở các tỉnh Bắc Phi cho đến cả phía tây.
Người Ả Rập tiếp tục cải tiến kỹ thuật sản xuất. Nhờ vào các rây múc làm bằng dây kim loại mà người ta đã có thể tạo được hình chìm trên giấy (watermark). Giấy được phủ keo tốt hơn nhờ sử dụng tinh bột. (Phủ keo là tráng một lớp mỏng keo trên mặt giấy hay pha keo vào bột giấy lỏng trước khi múc giấy để giấy láng hơn và ít hút nước hơn, mực viết lem ít hơn.) Các đơn vị đo lường diện tích được tiêu chuẩn hóa. 500 tờ giấy là một ram giấy (thếp giấy) – rizmar. Từ này là nguồn gốc cho khái niệm về đơn vị giấy vẫn còn thông dụng cho đến ngày nay trong ngành giấy: một ram giấy (tiếng Anh: ream, tiếng Đức: Ries, tiếng Pháp: rame, tiếng Tây Ban Nha: resma...).

  • Giấy ở châu Âu

Qua các giao lưu văn hóa giữa phương Tây Thiên chúa giáo và phương Đông Ả Rập cũng như qua nước Tây Ban Nha thời kỳ Hồi giáo giấy được mang đến châu Âu từ thế kỷ thứ 12. Theo như Al-Idrisi tường thuật lại sau các chuyến du lịch, ngay từ giữa thế kỷ thứ 12 ở San Felipe (Xativa) gần Valencia đã có một nền công nghiệp giấy phát đạt, xuất khẩu các loại giấy cao cấp sang cả các nước láng giềng.
Cùng với việc sử dụng văn bản ngày càng phổ biến trong các lãnh vực khác của văn hóa (kinh tế, luật, hành chánh,...), từ giữa thế kỷ thứ 14 giấy bắt đầu cuộc tranh đua với giấy da (parchment). Kỹ thuật in sách ra đời từ giữa thế kỷ thứ 15 đã đánh dấu cho vai trò của giấy da trở thành vật liệu để viết xa xỉ. Mặc dù rẻ tiền, mãi cho đến thế kỷ thứ 17 giấy, trong vai trò là vật liệu để viết, mới đẩy lùi được giấy da tương đối đắt tiền hơn.

  1. Công nghệ nhân bản, in ấn qua các thời kỳ. Các mốc lịch sử quan trọng:

  • Sao chép bằng tay: Một tác phẩm muốn nhân thành nhiều bản, người ta thuê người viết chữ đẹp chép lại. Phương pháp này gọi là thủ bản (manuseript) không thể sao chép thành nhiều bản nên nó chỉ dành riêng cho người quyền quí, hoàng tộc, chứ không thể phổ biến rộng rãi. Do đó nghề in đã ra đời để khắc phục giới hạn trên.

  • In khắc gỗ: Các nhà sử học chưa thống nhất được niên hiệu của ngành in trong lịch sử, nhưng đều thống nhất rằng chính Trung Quốc là nợi ra đời bản in khắc gỗ từ thế kỷ thứ VII trước công nguyên. Đây là bước tiến quan trọng so với cách sao chép bằng tay trước đó. In khắc gỗ được áp dụng rộng rãi vào thế kỷ thứ IX, cuốn sách cổ nhất được in bằng bản khắc gỗ là cuốn kinh Kim Cương in năm 848 của ông Vương Giới được phát hiện năm 1900 ở Đơn Hoàng tỉnh Cam Túc (Trung Quốc).

Người thợ khắc các nét chữ, hình vẽ lên tấm gỗ, phần có chữ thì nổi lên cao, phần không chữ thì được khoét lõm xuống. Khi in người ta phủ một lớp mực mỏng lên bề mặt tấm gỗ, đặt tờ giấy lên, dùng một cái gạt bằng xương hoặc bằng gỗ đã mài nhẵn, gạt nhẹ lên trên tờ giấy. Bản in khắc gỗ có nhược điểm là đã hư một từ hay một ký tự là phải làm lại cả khuôn in làm cho năng suất rất thấp; chính vì vậy người ta đã nghĩ ra việc ghép các chữ rời lại với nhau.
  • In ghép chữ rời: Một đặc điểm của nghề in từ đầu thế kỷ thứ IX việc sản xuất sách trong các thu viện phát triển và mang tính thương mại. Do đó nghế in đã trở thành ngành sản xuất kinh doanh. Công việc in sách không thể dừng lại ở in khắc gỗ, vào khoảng năm 1048 một người Trung Quốc tên là Tất Thăng đã sáng tạo ra chữ rời bằng gốm. Đây là một bưới tiến bộ, nhưng chưa có ý nghĩa công nghiệp.

Việc ra đời chữ rời tiến bộ hơn bản in khắc gỗ, nhưng thời gian ngắn bị hư hỏng, do đó đến năm 1314 Vương Trình cũng người Sơn Đông, Trung Quốc làm ra chữ rời bằng gỗ. Nghề in được lan truyền sang Triều Tiên và có những cải tiến quan trọng. Triều Tiên đã tạo ra đồng mô để đúc chữ thay thế cho khắc, sau đó họ đúc chữ bằng đồng và đến năm 1436 bắt đầu đúc chữ bằng hợp kim chì (gồm Pb, Sn, Cu- chì là thành phần chính chiếm 60%- 85%, nhưng chì là kim loại mềm, nên cho thêm antimoan (Sb) là kim loại dòn chiếm 12%- 29%, thiếc (Sn) là kim loại dẻo, chống gỉ tốt chiếm 2%- 7%). Cuối thế kỷ 15 ở Triều Tiên đã sử dụng hợp kim chì một cách rộng rãi và đã in được những bộ sách lớn. In chữ rời là một bước tiến khá lớn trong quá trình phát triển của ngành in sách. Nó có ưu điểm: dễ tháo gỡ, thay đổi và sửa chữa được. Khi sử dụng xong có thể tháo ra để sử dụng cho những lần khác.

  • Máy in: Ông Johan Gutenberg (người Đức), Caxchioro (người Hà Lan), Pampilo (người Ý) được coi như những ông tổ của ngành in ở Châu Âu vì họ đã cùng một lúc phát minh ra quá trình in. Người có công đặc biệt là Johan Gutenberg (tên đầy đủ là Johannes Gensfleisch Zum Gutenberg) được công nhận là người phát minh ra ngành in Typô, là ông tổ ngành in ở Châu Âu. Ngày 21-6-1440 là ngày Gutenberg khởi công in sách.

Máy in của Gtuenberg với 2 người điều khiển: Gutenberg xuất thân là thợ kim hoàn, năm 42 tuổi, ông lập máy in tay đầu tiên ở Strasbourg. Ông thay đổi thành phần hợp kim chì, bỏ đồng (Cu) thay bằng Angtimoan (Sb). Ông là người đầu tiên lập nên qui trình công nghệ in, chế tạo đồng mô (matrix), xưởng đúc chữ chì, sắp chữ chì và in trên một bàn ép bằng gỗ.
Gutenberg không phải là người đầu tiên chế tạo đồng mô nhưng chính ông đã thay đổi thành phần hợp kim và đặt tên cho các con chữ đúc ra từ đồng mô là type. Vì thế ngày nay ta mới gọi nghề in là Typographie.
Bằng phương pháp này, Gutenberg là người đi tiên phong trong việc in sách Kinh Thánh bằng tiếng La tinh. Bộ Thánh Kinh gồm hai tập, mỗi tập dày 300 trang với 42 dòng mỗi trang. Đây được xem là bộ sách đầu tiên được in bằng kiểu chữ kim loại có thể dịch chuyển được với những nét chữ rất đẹp và sắc nét.
Sự phát triển của in ấn là một bước đột phá trong phổ biến tri thức: nhà in đã được dựng lên ở Venice năm 1469 và tới năm 1500 thành phố này đã có tới 417 thợ in. Năm 1470, Johann Heynlin lập nhà in ở Paris.
Năm 1476, nhà in được lập ở Anh quốc bởi William Caxton; năm 1539, một người Ý tên là Juan Pablos đã lắp đặt một nhà in được nhập về ở thành phố Mexico, Mexico. Stephen Day xây dựng nhà in đầu tiên của Bắc Mĩ ở vịnh Massachusetts năm 1628 và là người góp phần lập nên nhà xuất bản Cambridge.
Chỉ sau khi ra đời được hơn 40 năm, phương pháp in rời nhanh chóng lan ra khắp châu Âu với hơn 20 triệu cuốn sách. Nó đã thực sự tạo ra một cuộc cách mạng truyền thông vào thời điểm đó, và có thể nói, đây chính là phát minh mở ra một thời kỳ mới trong nền văn minh Châu Âu: thời kỳ Phục Hưng. Công nghệ in của Gutenberg đã được tạp chí Life Magazine đánh giá là phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử 1000 năm trở lại đây.
  • Mực in hiện đại: Gutenberg tạo mực in bằng muội gỗ thông và dầu gai. Chiếc máy in đầu tiên vào thế kỷ XV được làm bằng gỗ theo nguyên tắc mặt phẳng ép mặt phẳng, công suất 100 tờ/ giờ, vận hành bằng sức người. Từ đó nền văn hoá thế giới bắt đầu một giai đoạn phát triển mới. Trước đây chỉ có in khắc gỗ hạn chế trong nhà thờ thì nay phương pháp in của Gutenberg làm cho giá thành hạ và sách được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Gần 350 năm sau, kể từ năm 1440 cho đến đầu thế kỷ 19 phương pháp in thủ công này không thay đổi.

  • In ống đồng: Ở Châu Âu, hầu như cùng lúc với in Typô đã xuất hiện phương pháp in Helio (in lõm) vào năm 1446. Người ta chế tạo trục in ống đồng bằng cách khắc lên đó những hình ảnh, nét chữ cần in. Khi áp dụng rộng rãi phương pháp in ống đồng người ta gặp phải khó khăn rất lớn khi chế bản là phải khắc lên bản đồng. Chính vì khó khăn này đã tìm ra phương pháp chế bản mới: Gia công hóa học bản đồng và bản thép. Đến đầu thế kỷ 18 phương pháp ăn mòn hoá học để chế tạo ống đồng mới được áp dụng. Người thợ khắc Thụy Sĩ tên là Urs Graf là tác giả các bản khắc ăn mòn bằng axit đầu tiên. Vào những năm 1760-1780 người ta dùng phương pháp in lõm (Helio) để in tranh vẽ rất phổ biến nhưng vẫn chưa được cơ giới hóa. Mãi đến năm 1910 phương pháp in này mới được cơ giới hóa.

  • Hoàn thiện công nghệ in: Trong thời kỳ đầu phát triển của ngành in, cho đến hết thế kỷ thứ 17 chiếc máy in tay dần dần được thay một số chi tiết gỗ bằng kim loại, nhưng công suất cũng chỉ tăng từ 100 lên 150 tờ/ giờ.

Sang thế kỷ thứ 18, xã hội có những biến đổi to lớn, một hiện tượng văn hóa xuât hiện, đó là Báo chí. Chính do báo chí đòi hỏi ngành in phải có những cải tiến, một công nghệ mới ra đời – Đúc bản in bằng cách vỗ phông và đổ hợp kim chì để có nhiều khuôn in giống nhau cùng in một lúc trên nhiều máy.
Một họa sĩ người Tiệp Khắc tên là Aloys Senefelđer tình cờ phát minh ra kỹ thuật in lito (in phẳng) năm 1796 khi ông vẽ tranh lên tấm đá mài mịn và lợi dụng việc đẩy nhau giữa nước và dầu nhờn: việc phát hiện phương pháp in lito đã mở màn cho việc nghiên cứu một phương pháp in mới là in offset (1798). Nhưng tới năm 1860, các ông Kocher, Houssiau, Pelas đưa bản cao su bổ sung vào phương pháp in offset mới chính thức ra đời.
Người đầu tiên áp dụng kỹ thuật in offset với các trống quay cho in ấn trên giấy có thể là Ira Washington Rubel vào năm 1903. Rubel cũng nhận thấy hình ảnh in từ trống in cao su nét và sạch hơn vì miếng cao su mềm áp đều lên giấy hơn là bản in bằng đá cứng. Độc lập với Rubel, hai anh em Charles Harris và Albert Harris cũng đã phát hiện ra điều này và chế tạo máy in offset cho Công ty In ấn Tự động Harris.
Vào thế kỷ 19 thì quá trình in đã được cơ giới hóa mạnh mẽ. Năm 1811 F.Koenig người Đức đã được cấp bằng sáng chế máy in có ống ép thay cho bàn ép, đưa công suất lên 800 tờ/giờ, khổ in lớn hơn loại máy trước. Năm 1831 xuất hiện máy in hai ống (in cuộn) do Alexanđrop chế tạo.
Vào những năm cuối của thế kỷ XIX, người ta đã tìm ra nguyên tắc tự động hóa khâu sắp chữ .Năm 1884, ông Mergen Thaler phát minh ra máy sắp chữ Linotype. Sau đó, những người Nga như Litratca Chimiriadep, Plipenco… phát minh ra máy sắp chữ Monotype, đến năm 1897, ông John Bancroft cải tiến thành máy đúc chì nóng với khuôn đồng mô có 225 chữ và dấu.
Năm 1970 trong lĩnh vực in offset ở nước Nga đã có thay đổi quan trọng là áp dụng bản in bằng kim loại. Trong giai đoạn này, ngoài các phương pháp in Typô, Offset, Ống đồng còn nhiều phương pháp in khác như in Tĩnh điện, in Flexo, in Tampon, in Ronéo, in Lưới, in Truyền khoảng cách, in Điện từ… được ra đời.

  1. Ngành In ấn tại Việt nam:

  • Theo một số tài liệu sưu tầm được thì nghề in bản gỗ khắc ra đời ở kinh thành Thăng Long từ thời nhà Lý cách nay hơn 800 năm, gắn với tên tuổi của nhà sư Tín Học theo nghề truyền thống của gia đình, ấn phẩm hồi đó là sách Kinh Phật lưu hành trong các chùa chiền
Đến thế kỷ XV, dưới triều Lê sơ, thị Lang bộ lễ kiêm Bí thư giám học sinh Lương Như Học, trong hai lần đi sứ sang Trung Quốc đã nghiên cứu thêm kỹ thuật in khắc gỗ về dạy cho dân làng quê ông (Hồng Liễu và Liễu Tràng – Gia Lộc, Hải Dương) và cũng từ đó ông được tôn thời làm tổ sư nghề in.

  • Giữa thế kỷ XIX, khi Pháp xâm chiến Sài Gòn và du nhập kỹ thuật in typô, nghề in bản gỗ khắc vẫn tiếp tục được sử dụng vì bấy giờ chữ quốc ngữ la tinh chưa phổ biến rộng rãi. Một trong những địa điểm in khắc gỗ ở Sài Gòn lúc đó là Xóm Dầu (Phụng Du phường). Hiện con lưu lại cuốn Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu in chữ Nôm năm 1865 tại Sài Gòn. Đây là một trong số ít cuốn sách hiếm in khắc gỗ cuối cùng ở Nam Bộ.

Nghề in chữ đúc (typô) ở Việt Nam, đánh dấu mốc đầu tiên khi năm 1862, Đô đốc Bonard đưa 4 công nhân người Pháp, chở máy in, chữ in, mực giấy từ Pháp sang và lập nhà in mang tên Imperial tại địa điểm đường Hai Bà Trưng – Nguyễn Du để in báo phục vụ cho công cuộc xâm lăng của Pháp.
Mãi đến năm 1909 mới xuất hiện nhà in do người Việt Nam thành lập và quản lý. Ở Hà Nội, năm 1905 thực dân pháp mở nhà in Viễn Đông (IDEO). Theo thống kê, trong hai thập niên đầu thế kỷ chỉ co khoảng 20 nhà in đăng ký hành nghề thì hai thập niên kế đó (1920 – 1940), con số này tăng lên gấp 4 lần, lên tới gần 80 cơ sở. Tuy rằng nhiều nhà in chỉ sống một vài năm rồi đóng cửa hoặc sáp nhập vào các cơ sở khác. Theo tư liệu lưu trữ, đầu năm 1937, toàn Đông Dương có 88 nhà in đang hoạt động in được sách báo. Riêng Sài Gòn có 28 nhà in, trong đó có 18 cơ sở mang tên Việt, Hoa (chiếm 60%), tuy năng lực và kỹ thuật in kém nhiều so với các nhà in của tư bản ngoại quốc.
Trong giai đoạn 1930 – 1945 ngành in Việt Nam có những bước phát triển nhất định và đặt nền móng cho ngành in phát triển mạnh mẽ sau Cách mạng tháng tám.
Cũng trong giai đoạn 1930 – 1945, đây là thời kỳ văn học Việt Nam đang bước đầu vào giai đoạn có nhiều biến đổi. Nền văn học nước ta chịu ảnh hưởng nhiều của văn hoá, tư tưởng, trào lưu phương Tây và phân hóa thành nhiều trào lưu khác nhau như: văn học lãng mạn, phong trào thơ mới, văn học hiện thực…. Chính vì vậy trong giai đoạn này, việc in ấn những tập thơ, những cuốn truyện của các nhà văn, nhà thơ cũng nở rộ góp phần tạo nên một ngành in non trẻ của Việt Nam.
Có thể nói từ nghề in bản gỗ khắc đến nghề in đúc chữ (ty-pô) đã tạo tiền đề để ngành in Việt Nam sau Cách mạng tháng 8 phát triển nở rộ, nhờ đó ngành in nước ta được phát triển một cách toàn diện và dần bắt kịp với trình độ của khu vực và thế giới.

(Nguồn tham khảo: https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%E1%BA%A5y)
(Nguồn tham khảo: http://www.kythuatin.com/f/news/read.php?id=79)
(Nguồn tham khảo: http://www.giaytanlong.com.vn/cau-chuyen-lich-su-ve-nganh-in-viet-nam-ctttld-299.aspx)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét