Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

CÁC CUỘC DỊCH THUẬT Ở PHƯƠNG ĐÔNG- LAN HỌC VÀ TÂN THƯ

BÀI #2. CÁC PHONG TRÀO DỊCH THUẬT Ở PHƯƠNG ĐÔNG VÀ PHƯƠNG TÂY


Bài gồm 2 phần, các cuộc dịch thuật ở phương Đông và phương Tây. Sau đây là phần thứ nhất.

2.1 CÁC CUỘC DỊCH THUẬT Ở PHƯƠNG ĐÔNG- LAN HỌC VÀ TÂN THƯ

1. Dịch thuật đóng vai trò rất quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử truyền bá tư tưởng và kiến thức của nhân loại. Trong tiến trình ấy, lịch sử ghi nhận những công cuộc dịch thuật mang tính cách mạng, đột phá cả ở Đông và Tây có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tư tưởng, chính trị, học thuật và văn hóa, kéo theo sự phát triển của hoạt động sáng tác và sản xuất nội dung, của xuất bản và phát hành, của việc phổ cập sách báo và việc hình thành thói quen và văn hóa đọc.

Một sự lặp lại kỳ thú của lịch sử: châu Âu đã từng có các cuộc dịch thuật vĩ đại thế kỷ XI và XII lúc đại học châu Âu ra đời (và cả công cuộc dịch thuật lần 2 sau đó trong thời Phục hưng) để làm nền tảng phát triển khoa học và văn hóa, thì tương tự ở phương Đông, Nhật Bản cũng đã có cuộc dịch thuật vĩ đại của mình trong hai thế kỷ thời đóng cửa, giúp chuyển hệ hình tư duy kiểu phong kiến Trung Hoa sang hệ hình khoa học hiện đại phương Tây dù tầng lớp trí thức ở Nhật Bản chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của Khổng giáo, có thể sâu đậm hơn cả giới trí thức Việt Nam cùng thời.

Tokugawa là chế độ tự đóng kín, ‘tỏa quốc’ (sakoku) suốt 260 năm tại Nhật bản, sau khi họ đuổi hết người truyền giáo phương Tây 1640, chỉ chừa một cảng nhỏ Dejima duy nhất ở Nagasaki thông thương với Hà Lan, và họ kiểm soát nghiêm ngặt việc nhập khẩu sách, để tránh sự xâm nhập của Kitô giáo. Nhưng trong hai thế kỷ đó, giới trí thức Nhật Bản đã làm được một cuộc dịch thuật vĩ đại, gọi là ‘Lan học’ (Hà lan học), Rangaku, để biết rõ khoa học, công nghệ phương Tây. Đó là bình minh của nhận thức, giúp cho Minh Trị nhanh chóng thành công. Số liệu sau cho thấy tầm vóc của sự vĩ đại ấy: chỉ tính đến năm 1887 đã có 633 cuốn về triết học, chính trị kinh tế học, lịch sử văn hóa học và 120 cuốn về văn học (tính đến 1890) được dịch và giới thiệu chủ yếu từ tiếng Anh và tiếng Pháp. Những trí thức lỗi lạc của Nhật Bản đương thời như Fukazawa Yukichi, Kato, Taguchi… đã góp phần quan trọng vào việc mở rộng tầm mắt, mở mang tri thức cho người Nhật thông qua hoạt động dịch thuật và biên khảo.

Các sách báo phương Tây do Nhật dịch thuật, biên soạn chính là Tân thư sau đó đã lan truyền sang Trung quốc rồi tới Việt nam.

2. Tân thư và phong trào Duy tân ở phương Đông:

Lịch sử phát triển của một số quốc gia châu Á thời kỳ cận đại (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) ghi nhận một hiện tượng khá phổ biến, đó là sự xâm nhập, ảnh hưởng của các tư tưởng tự do, dân chủ, dân quyền từ các nước châu Âu và phương Tây vào quá trình vận động, biến chuyển của lịch sử xã hội cũng như lịch sử tư tưởng-chính trị và học thuật của các nước phương Đông, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Dấu hiệu rõ nhất cho thấy quá trình chuyển mình lịch sử này là phong trào Duy tân diễn ra gần như cùng một thời điểm ở hàng loạt quốc gia Đông và Đông Nam châu Á, trong đó, Tân thư có một vai trò hết sức quan trọng.

Tân thư là nhịp cầu tư tưởng quan trọng kết nối người Nhật với người phương Tây. Nhờ đó mà người Nhật sớm thoát khỏi ảnh hưởng tư tưởng chính trị và học thuật Trung Hoa, khi ấy đã trở thành lạc hậu, bảo thủ, kìm hãm sự phát triển của lịch sử; đồng thời, đó cũng là phương tiện quan trọng nhất để người Nhật tiếp cận và tiếp thu một cách có bài bản, hệ thống không chỉ các tri thức, các thành tựu về khoa học kỹ thuật, mà còn cả những tư tưởng mới về tự do, dân chủ, dân quyền; về các thiết chế xã hội từ các nhà tư tưởng – triết học châu Âu như R. Descartes, Voltairre, J. Rousseau, Motesquieu…

Những tài liệu được coi là Tân thư ở Nhật Bản thời kỳ này là những sách báo có xuất xứ từ Âu - Mỹ, bao gồm cả sách khoa học kỹ thuật lẫn sách khoa học xã hội, văn hóa và văn học. Tính đến năm 1887 đã có 633 cuốn về triết học, chính trị kinh tế học, lịch sử văn hóa học và 120 cuốn về văn học (tính đến 1890) được dịch và giới thiệu chủ yếu từ tiếng Anh và tiếng Pháp(1). Những trí thức lỗi lạc của Nhật Bản đương thời như Fukazawa Yukichi, Kato, Taguchi… đã góp phần quan trọng vào việc mở rộng tầm mắt, mở mang tri thức cho người Nhật thông qua hoạt động dịch thuật và biên khảo.

Tương tự như ở Nhật Bản, trong quá trình vận động cải cách và duy tân, Tân thư đóng một vai trò quan trọng. Đến lúc này, các nhà duy tân Trung Quốc không cần phải tìm đâu xa, chỉ cần hướng sang nước láng giềng Nhật Bản, vốn là một nước nhỏ, từng nằm trong vòng cương tỏa của tư tưởng học thuật và văn hóa Trung Hoa, đã có thể cảm nhận được những gì cần cho đất nước mình. Trừ số ít những người được học ở nước ngoài, biết ngoại ngữ như Nghiêm Phục (1853-1921) tự dịch cuốn Thiên diễn luận của Hussley để giới thiệu thuyết tiến hóa, hay Vương Quốc Duy (1877-1927) biên soạn những công trình nghiên cứu, khảo cứu về triết học của Kant, Shopenhauer… còn phần lớn các nhà cải cách và duy tân Trung Quốc như: Củng Tự Trân (1792-1841), Phùng Quế Phân (1809-1874), Khang Hữu Vi (1858-1927), Lương Khải Siêu (1873-1929), Đàm Tự Đồng (1865-1898), Trần Độc Tú, Lý Đại Chiêu, Hoàng Tôn Hiến, Tôn Trung Sơn, v.v… đều tiếp xúc và tiếp thu tư tưởng duy tân qua Tân thư chủ yếu là những sách bằng chữ Hán được phổ biến ở Nhật Bản.

3. Tại Việt nam, vào thời kỳ Cận đại 1858-1945, ảnh hưởng của phương Tây đến Việt Nam qua 2 con đường: Trực tiếp từ nhà trường Pháp qua Pháp văn và gián tiếp từ Tân thư qua Hán văn. Con đường trực tiếp giành cho các trí thức mới Tây học, còn con đường gián tiếp giành cho các chí sĩ, các nhà Nho được đào tạo từ khoa cử phong kiến. Con đường tiếp thu phương Tây gián tiếp qua Tân thư phần nào bị khúc xạ qua lăng kính tư tưởng của các nhà duy tân Nhật Bản và Trung Quốc, đặc biệt là của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu.

Pháp đã đưa nhiều học sinh, sinh viên và trí thức trẻ Việt Nam sang du học tại Pháp. Những người này tiếp thu trực tiếp những tư tưởng, văn hóa phương Tây nhưng ảnh hưởng của họ trong đời sống tinh thần xã hội chưa đủ mạnh để lấn át ảnh hưởng của nhà Nho thời kỳ này. Phải tới cuối thời cận đại, đầu thời hiện đại chúng ta mới thấy các tác phẩm dịch thuật hay sáng tác tầm cỡ của họ.

Tác động của Tân thư tại Việt nam bị hạn chế do vấn đề ngôn ngữ bởi chữ Hán không phải là ngôn ngữ đại chúng. Mãi tới năm 1869 và 1882 tại Nam kỳ, chính quyền Pháp mới bắt đầu quy định bắt buộc và rồi chỉ được dùng chữ Quốc ngữ trong các văn bản công vụ.Sang thế kỷ 20 chính phủ Đông Pháp mở rộng chính sách dùng chữ Quốc ngữ ra Bắc Kỳ. Hội Truyền bá Quốc ngữ ra đời ngày 25/5/1938, đến ngày 29/7/1938 Thống sứ Bắc Kỳ công nhận sự hợp pháp của Hội. Đó là dấu mốc chắc chắn cho vị thế "chữ Quốc ngữ". Việc cổ động cho học "chữ Quốc ngữ" ở toàn cõi nước Việt gắn với các phong trào cải cách trong giai đoạn 1890 - 1910 như Hội Trí Tri, phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục và ngành báo chí mới hình thành, đã thừa nhận và cổ vũ học "chữ Quốc ngữ", coi là phương tiện thuận lợi cho học hành nâng cao dân trí (https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%AF_vi%E1%BA%BFt_ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t).

Rào cản rất lớn về ngôn ngữ phổ cập này trong sẽ còn được đề cập đến trong phần vai trò của giáo dục đối văn hóa đọc.

Chưa rõ hẳn là vì lý do gì, nhưng hẳn là có vấn đề về nhận thức, công cuộc dịch thuật tại Việt nam lại không bắt đầu với Tân thư mà là tiểu thuyết Tàu!

Nếu như cuối thế kỷ XIX, công việc dịch thuật hoặc cải biên kia còn gắn chủ yếu với mục đích phổ biến chữ quốc ngữ thì qua đầu thế kỷ XX nó gắn với mục đích đáp ứng nhu cầu đọc và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Chính nhu cầu, thị hiếu này là động lực của việc dịch thuật, cải biên văn học Trung Quốc đầu thế kỷ XX và khởi phát nên phong trào dịch thuật truyện Tàu chỉ trong vòng bốn, năm năm (1906 -1910) đã có ngót trên 30 bộ được dịch, trong đó có những bộ có giá trị cổ điển như: Tam quốc chí (1901, 1907), Đông Chu liệt quốc (1906), Thủy hử (1907)…

Nền dịch thuật Việt Nam thực sự bắt đầu phát triển từ sau năm 1945. Ngay sau Cách mạng tháng 8, hàng loạt bản dịch các tác phẩm tiên tiến của văn học thế giới được in thành sách. Bắt đầu các bản dịch trên báo chí những bài dịch lý thuyết văn chương, những tài liệu về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Trung Quốc, khối Đông Âu… rồi những bản dịch các tác phẩm nổi tiếng nước ngoài với các tên tuổi hàng đầu lúc ấy như: Ngô Tất Tố, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Phan Khôi, Tố Hữu, Nguyễn Đidnh Thi, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Xuân Sanh…

Sau đây là chi tiết về công cuộc dịch thuật, sự lan truyền Tân thư tại Nhật bản, Trung quốc và Việt nam:

NHẬT BẢN

Nhật Bản là quốc gia đi đầu và đến đích sớm trong phong trào Duy tân. Từ 1868, vua Minh Trị đã tiến hành hàng loạt các cuộc cải cách dựa trên ý chí Nhật Bản cộng với mô hình xã hội và thiết chế chính trị phương Tây. Trong cuộc cách mạng này, ngoài con đường trực tiếp đưa người đi học tập, đào tạo ở nước ngoài, hoặc mời chuyên gia nước ngoài vào giảng tại các trường đại học ở trong nước, thì Tân thư là nhịp cầu tư tưởng quan trọng kết nối người Nhật với người phương Tây. Nhờ đó mà người Nhật sớm thoát khỏi ảnh hưởng tư tưởng chính trị và học thuật Trung Hoa, khi ấy đã trở thành lạc hậu, bảo thủ, kìm hãm sự phát triển của lịch sử; đồng thời, đó cũng là phương tiện quan trọng nhất để người Nhật tiếp cận và tiếp thu một cách có bài bản, hệ thống không chỉ các tri thức, các thành tựu về khoa học kỹ thuật, mà còn cả những tư tưởng mới về tự do, dân chủ, dân quyền; về các thiết chế xã hội từ các nhà tư tưởng – triết học châu Âu như R. Descartes, Voltairre, J. Rousseau, Motesquieu…

Những tài liệu được coi là Tân thư ở Nhật Bản thời kỳ này là những sách báo có xuất xứ từ Âu - Mỹ, bao gồm cả sách khoa học kỹ thuật lẫn sách khoa học xã hội, văn hóa và văn học. Tính đến năm 1887 đã có 633 cuốn về triết học, chính trị kinh tế học, lịch sử văn hóa học và 120 cuốn về văn học (tính đến 1890) được dịch và giới thiệu chủ yếu từ tiếng Anh và tiếng Pháp(1). Những trí thức lỗi lạc của Nhật Bản đương thời như Fukazawa Yukichi, Kato, Taguchi… đã góp phần quan trọng vào việc mở rộng tầm mắt, mở mang tri thức cho người Nhật thông qua hoạt động dịch thuật và biên khảo.

Cùng với những chuyển biến mau lẹ trong nhận thức tư tưởng và trong tư duy học thuật, Tân thư còn làm thay đổi đáng kể ngôn ngữ văn chương, đặc trưng thể loại và hệ thống khái niệm, thuật ngữ khoa học của người Nhật.

Nghiên cứu, lý giải hơn 100 năm phát triển của đất nước Nhật Bản kể từ Thiên hoàng – Minh Trị (1868) đến nay, không thể phủ nhận được ảnh hưởng mọi mặt từ các nước Âu – Mỹ, trong đó, Tân thư đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc khai mở tinh thần, kích thích ý chí cải cách, duy tân, đưa Nhật Bản sớm đạt được vị thế mong muốn trong khu vực và trên thế giới.

TRUNG QUỐC

Ở Trung Quốc, trong thời gian gần 80 năm (từ chiến tranh nha phiến năm 1840 được coi là mốc mở đầu thời kỳ Cận đại và kết thúc bằng cuộc vận động Ngũ Tứ năm 1919), Trung Quốc vừa phải đối mặt với các thế lực tư bản ngoại bang, vừa phải đối mặt với thể chế chính trị phong kiến nhà Thanh đang trên đà suy thoái, phản động, cản trở bước tiến của lịch sử. Tất cả các sự kiện đó, hoặc ít hoặc nhiều đều chịu sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ quá trình tiếp xúc, đụng độ với phương Tây trên các phương diện: kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, khoa học và tư tưởng. Về mặt văn hóa, khoa học và tư tưởng, quá trình tiếp xúc với phương Tây lại mang đến cho Trung Quốc một làn gió mới, một luồng sinh khí mới, một vận hội lịch sử mới để cải cách và duy tân.

Tương tự như ở Nhật Bản, trong quá trình vận động cải cách và duy tân, Tân thư đóng một vai trò quan trọng. Đến lúc này, các nhà duy tân Trung Quốc không cần phải tìm đâu xa, chỉ cần hướng sang nước láng giềng Nhật Bản, vốn là một nước nhỏ, từng nằm trong vòng cương tỏa của tư tưởng học thuật và văn hóa Trung Hoa, đã có thể cảm nhận được những gì cần cho đất nước mình. Trừ số ít những người được học ở nước ngoài, biết ngoại ngữ như Nghiêm Phục (1853-1921) tự dịch cuốn Thiên diễn luận của Hussley để giới thiệu thuyết tiến hóa, hay Vương Quốc Duy (1877-1927) biên soạn những công trình nghiên cứu, khảo cứu về triết học của Kant, Shopenhauer… còn phần lớn các nhà cải cách và duy tân Trung Quốc như: Củng Tự Trân (1792-1841), Phùng Quế Phân (1809-1874), Khang Hữu Vi (1858-1927), Lương Khải Siêu (1873-1929), Đàm Tự Đồng (1865-1898), Trần Độc Tú, Lý Đại Chiêu, Hoàng Tôn Hiến, Tôn Trung Sơn, v.v… đều tiếp xúc và tiếp thu tư tưởng duy tân qua Tân thư chủ yếu là những sách bằng chữ Hán được phổ biến ở Nhật Bản.

Thấm nhuần những tư tưởng từ Tân thư, người thì đề xuất cải cách chính phủ; người thì chủ trương nghiên cứu, truyền bá các học thuyết kinh tế và khoa học của phương Tây, lên tiếng đòi cải cách xã hội; người thì đòi cải cách văn hóa, văn chương và học thuật; người thì công kích vào dường mối đạo đức phong kiến; người thì chủ trương tiến hành cách mạng tư sản, đề cao chủ nghĩa Tam dân; người thì ủng hộ đường lối cải lương, người thì theo đường lối bạo động, v.v…

Dưới ảnh hưởng của Tân thư, lịch sử xã hội và lịch sử tư tưởng Trung Quốc chuyển biến một cách mau lẹ. Những tư tưởng chính trị, tri thức khoa học, văn học nghệ thuật và tư duy lý luận phương Tây đã qua Tân thư mà thâm nhập vào đời sống xã hội chính trị, vào tâm hồn, tình cảm và lý tưởng cách mạng của những trí thức ưu tú đang nuôi khát vọng canh tân đất nước.

Phong trào Ngũ Tứ (4-5-1919) là sự kiện có ý nghĩa khép lại thời kỳ Cận đại. Trong phong trào này, tư tưởng dân chủ mới của giới trí thức, của học sinh, sinh viên và hành động yêu nước của họ có thể được xem như là kết quả của quá trình tiếp nhận những tư tưởng từ Tân thư thông qua những con đường khác nhau.

Trên phương diện văn hóa và văn học nghệ thuật, Tân thư là yếu tố quan trọng để hình thành và phát triển tân văn (văn bạch thoại), hình thành nên các cuộc vận động văn hóa mới với các đại biểu ưu tú như: Lý Đại Chiêu, Trần Độc Tú, Ngô Du, Lỗ Tấn, Hồ Thích, Thái Nguyên Bồi…

Với Tân thư, các nhà cải cách và duy tân Trung Quốc cận đại không chỉ tìm thấy phương cách và con đường để đưa Trung Quốc thoát khỏi chế độ phong kiến cổ hủ, mà còn tìm thấy phương cách và con đường để giải phóng những năng lực trí tuệ - tinh thần tiềm ẩn trong con người Trung Quốc; tìm thấy phương cách và con đường để chấn hưng đất nước Trung Hoa, đưa đất nước Trung Hoa ra nhập với tiến trình phát triển chung của khu vực và thế giới.

VIỆT NAM

Ở Việt Nam, thời kỳ Cận đại được bắt đầu từ 1858 khi người Pháp nổ súng tấn công vào Đà Nẵng và kết thúc vào năm 1930 để chuyển sang thời kỳ Hiện đại. Như vậy là, khác với Nhật Bản, Việt Nam và Trung Quốc đều mở đầu thời kỳ Cận đại bằng tiếng súng khai màn chiến tranh của thực dân phương Tây.

Điểm giống nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như Nhật Bản là trong suốt thời kỳ Cận đại đều diễn ra các cuộc vận động cải cách và phong trào duy tân nhằm bảo vệ và canh tân đất nước. Tuy nhiên, do hoàn cảnh xã hội chính trị ở mỗi nước không giống nhau nên phong trào duy tân ở mỗi nước cũng có những điểm khác biệt. Chắng hạn ở Trung Quốc, những người chủ trương duy tân phần lớn là trí thức, quan lại trong triều đình phong kiến, thậm chí cả nhà vua (Quang Tự) cũng tham gia duy tân (Mậu Tuất chính biến). Mục tiêu của họ là cải cách xã hội, cải cách văn hóa. mở mang tư duy, kiến thức khoa học và kinh tế để tự cường, để phát triển đất nước. Còn ở Việt Nam, lực lượng duy tân chủ yếu là tầng lớp chí sĩ. Quan lại và triều đình phong kiến gần như thúc thủ chịu sự đô hộ của thực dân. Vì vậy mục tiêu của các nhà duy tân Việt Nam trước hết là hướng vào việc đánh đuổi thực dân, giành độc lập chủ quyền để từ đó tự cường và canh tân đất nước. Có lẽ từ điểm khác biệt đó mà ở Việt Nam tuy cũng có những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch gần giống như “biến pháp” của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu nhưng không nổ ra những sự kiện kiểu như Mậu Tuất chính biến (1898), thay vào đó là các phong trào cách mạng của tầng lớp sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Lương Văn Can, Nguyễn Thượng Hiền, v.v…

Cũng như ở Nhật Bản và Trung Quốc, ở Việt Nam trong suốt quá trình duy tân thời kỳ cận đại, Tân thư có một vị trí cực kỳ quan trọng. Nó là vũ khí tư tưởng, là liệu pháp tinh thần, là nhịp cầu nối Việt Nam với thế giới phương Tây. Ở thời kỳ Cận đại, các trí thức Nho học Việt Nam vẫn còn giữ được vị trí đáng kể trong đời sống chính trị và văn hóa của xã hội. Với vốn kiến thức Hán học uyên thâm, Tân thư trở thành nguồn tri thức mới lạ, tân kỳ giúp các nhà duy tân Việt Nam mở mang tầm nhìn, khai trí, khai tâm để hướng đến mục tiêu tự chủ tự cường dân tộc. Nhật Bản, Trung Quốc trở thành những tấm gương duy tân thu hút các chí sĩ Việt Nam đến học tập, tiếp thu để cứu nước cứu nòi. Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đã từng sang Nhật gặp gỡ và đàm đạo trực tiếp với Lương Khải Siêu và mỗi người đã tiếp thu từ nhà cải cách nổi tiếng này những tư tưởng, những chủ trương khác nhau để sau đó, khi về nước, người thì chủ trương bạo động, người thì chủ trương cải lương, nhưng cả hai đều hướng về mục tiêu duy tân, mục tiêu dân tộc.

Tuy vào thời kỳ này, để củng cố địa vị thống trị lâu dài ở Việt Nam, thực dân Pháp đã đưa nhiều học sinh, sinh viên và trí thức trẻ Việt Nam sang du học tại Pháp. Họ giỏi tiếng Pháp, thấm nhuần văn hóa, khoa học Pháp nhưng ảnh hưởng của họ trong đời sống tinh thần xã hội chưa đủ mạnh để lấn át ảnh hưởng của nhà Nho thời kỳ này. Ngược lại, các nhà Nho cũng nhận thấy những hạn chế lịch sử của mình để thông qua chữ Hán mà tiếp thu phương Tây. Tân thư vì vậy càng trở nên đắc dụng.

Như vậy là, vào thời kỳ Cận đại, ảnh hưởng của phương Tây đến Việt Nam qua 2 con đường: Trực tiếp từ nhà trường Pháp qua Pháp văn và gián tiếp từ Tân thư qua Hán văn. Con đường trực tiếp giành cho các trí thức mới Tây học, còn con đường gián tiếp giành cho các chí sĩ, các nhà Nho được đào tạo từ khoa cử phong kiến. Tuy con đường tiếp thu phương Tây gián tiếp qua Tân thư phần nào bị khúc xạ qua lăng kính tư tưởng của các nhà duy tân Nhật Bản và Trung Quốc, đặc biệt là của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, nhưng nhờ đó mà các nhà duy tân Việt Nam mới tiếp cận được với thế giới, khai mở trí tuệ để đón nhận “gió Âu mưa Á”, “thổ nạp Đông-Tây” đưa Việt Nam thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn, lạc hậu của ý thức hệ Nho giáo phong kiến. Mặc dù trong thế tranh chấp ảnh hưởng với tầng lớp trí thức Tây học được đào tạo trực tiếp từ nền giáo dục Pháp, các nhà Nho duy tân không đóng được vai trò đại diện cho lực lượng tiên tiến của xã hội, nhưng với những gì họ tiếp thu được từ Tân thư, qua Tân thư cũng đã góp phần thức tỉnh “nhân tâm thế đạo”, giống như tiếng gà gáy sáng báo bình minh, đánh thức dân tộc bằng những tư tưởng mới về dân chủ, tự do và dân sinh dân quyền vốn xa lạ với xã hội phương Đông và Việt Nam trước đó.

Trên phương diện văn học, nếu như ở Nhật Bản và Trung Quốc, Tân thư là cơ sở để hình thành tân văn (văn bạch thoại), phê phán cổ văn, đưa đến cho văn học các nước này những phẩm chất mới về ngôn ngữ, thể loại và chức năng thẩm mỹ của văn học… thì ở Việt Nam, Tân thư cũng là một trong số những yếu tố tác động tích cực để hình thành nền tân học và tân văn. Sáng tác của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền… và các tiểu luận của Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế… thể hiện một quan niệm mới về văn học, phá vỡ quy phạm quen thuộc, gò bó của từ chương Trung Hoa. Thơ văn từ chỗ là thú chơi tao nhã, để tỏ chí tỏ lòng, để thù tạc ngâm vịnh, đến lúc này đã trở thành lợi khí duy tân, thành công cụ tư tưởng, gắn bó mật thiết với đời sống xã hội và mang hơi thở của thời đại.

(Nguồn tham khảo chính:
1/ TS Nguyễn Xuân Xanh https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/tai-sao-nguoi-nhat-me-111oc-sach

2/ Phan Trọng Thưởng PGS, TS Viện Văn học - Văn học và Ngôn ngữ http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/tan-thu-va-phong-trao-duy-tan-o-nhat-ban-trung-quoc-va-viet-nam-thoi-ky-can-dai.html

3/ Lịch sử dịch thuật http://dichthuattinviet.vn/tin-tuc/tin-tuc-dich-thuat/109-l-ch-s-d-ch-thu-t)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét